KINH NGHIỆM LÀM THỦ TỤC PHÁP LÝ KHI MUA NHÀ
Pháp lý luôn là vấn đề được người mua nhà quan tâm hàng đầu trong quá trình lựa chọn nơi an cư cho mình. Những dự án pháp lý minh bạch luôn điều kiện tiên quyết khiến người mua an tâm “xuống tiền”.
Tìm hiểu thông tin cơ bản
Thực tế khi mua nhà dự án hiện nay khách hàng chủ yếu nắm bắt thông tin về dự án từ đơn vị môi giới hoặc bộ phận kinh doanh của chủ đầu tư. Phần lớn đó là những thông tin có lợi cho dự án, thậm chí còn được “PR” quá đà. Người mua dễ bị sa vào những thông tin phần nổi này mà xem nhẹ tính pháp lý của dự án.
Nhiều khách hàng mua nhà chỉ quan tâm giá bán, vị trí và tiện ích của dự án mà không lưu ý đến những vấn đề pháp lý như quyền sử dụng đất, các giấy phép của chủ đầu tư. Theo quy định của Luật đầu tư và Luật kinh doanh Bất động sản, chủ đầu tư phải có nghĩa vụ hoàn tất các vấn đề pháp lý về quyền sử dụng đất dự án đầu tư, nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư trước khi bán ra thị trường.
Người mua nhà có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp toàn bộ thông tin về dự án một cách chính xác và đầy đủ. Do vậy trước khi quyết định mua, khách hàng cần cẩn trọng rà soát tính pháp lý của dự án bên cạnh các yếu tố giá cả, vị trí, tiện ích, dịch vụ…
Đầu tiên, người mua phải tìm hiểu qua các thông tin về quy hoạch tại UBND phường, quận để được cung cấp thông tin quy hoạch.
Ngoài ra, người mua nhà cũng cần tìm hiểu một số thông tin cần thiết khác như: Thông tin về chủ sở hữu nhà; Về diện tích nhà, đất trên Giấy chứng nhận và trên thực tế có phù hợp với nhau không, nếu có chênh nhau thì diện tích đó đang được sử dụng như thế nào? Có thuộc trường hợp lấn chiếm đất trái phép hay không? Có thuộc trường hợp xây sai phép hay không? Có thể hợp thức hóa diện tích chênh lệch này hay không?
Kỹ hơn, người mua nhà nên tìm hiểu thêm những kiến thức pháp luật cần thiết liên quan đến mua nhà dự án. Có thể tự thực hiện theo các kênh thông tin truyền thông hoặc liên hệ với các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý để kiểm tra, xem xét về hợp đồng, thỏa thuận mua bán trước khi đặt bút ký kết.
Trong trường hợp người mua không thương lượng được về hợp đồng để chỉnh sửa phù hợp thì nên có sự cân nhắc nên tiếp tục ký hợp đồng hay không chứ không thể nhún nhường trước chủ đầu tư một cách dễ dàng. Để thực hiện yêu cầu đó, người mua nhà có thể đưa ra các yêu cầu độc lập và nhà đầu có có nghĩa vụ xem xét và đáp ứng các yêu cầu minh bạch thông tin nêu trên.
Chú ý đến tiến độ giao nhà của chủ đầu tư
Thực tế có rất ít dự án bàn giao nhà đúng thời hạn, đúng thoả thuận ban đầu cho người mua. Về góc độ pháp lý, trách nhiệm bàn giao nhà theo đúng thời hạn là một quy định được thể hiện trong Luật kinh doanh Bất động sản và tiến độ đầu tư, thực hiện các dự án theo phê duyệt thì cần được tuân thủ như một nghĩa vụ của chủ đầu tư trong Luật đầu tư 2014.
Thường chủ đầu tư giải thích cho việc chậm bàn giao nhà, chậm thực hiện các thủ tục pháp lý khác như cấp Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà… là do yếu tố khách quan để giảm nhẹ trách nhiệm. Trong các hợp đồng mua bán, chủ đầu tư dự án luôn đưa vào các điều khoản loại trừ trách nhiệm vì lý do khách quan hoặc bất khả kháng.
Khi chậm bàn giao nhà, một số chủ đầu tư đưa ra các khoản gọi là hỗ trợ thay vì bồi thường để đảm bảo tránh kiện tụng hoặc tranh chấp về vấn đề liên quan đến thời hạn. Như vậy phần lớn người bị thiệt hại vẫn là người mua. Do vậy, người mua cần đọc kỹ hợp đồng, quy định về trách nhiệm một cách cụ thể và chi tiết. Riêng chủ đầu tư phải có nghĩa vụ tích cực trong việc thương lượng, bồi thường khi chậm bàn giao chứ không để tình trạng chờ khiếu kiện từ người mua rồi mới tìm cách đối phó và khắc phục.
Chọn đúng bên bán và đúng sản phẩm
Các bên giao dịch phải là chủ thể có quyền định đoạt trong giao dịch bất động sản. Phải xác định rõ tên giao dịch là chủ sở hữu đủ năng lực để thực hiện giao dịch. Nếu là một nhóm người, thì tất cả những người đó có quyền được quyết định chuyển nhượng. Nếu đang giao dịch với người được ủy quyền để bán, thì phải xác định rõ nội dung và phạm vi ủy quyền. Đồng thời việc ủy quyền phải được thực hiện theo quy định. Chỉ khi ký kết hợp đồng với người có quyền chuyển nhượng thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý, hoặc là cơ sở để bảo vệ người mua nếu chẳng may vướng tranh chấp.
Về căn nhà, người mua không thể gật đầu đồng ý giao dịch của một căn nhà đang trong tình trạng tranh chấp, đang bị phong tỏa, cấm giao dịch. Thực tế thị trường có nhiều sản phẩm kết hợp, sản phẩm cho chính sách kinh doanh của chủ đầu tư dự án, sản phẩm mới mà pháp luật chưa có quy định. Tất cả đều cần xem xét kỹ lưỡng trước khi mua bán.
Nắm rõ quy trình hợp đồng mua bán
Quy trình cơ bản là ký hợp đồng, công chứng, hoàn tất nhiệm vụ tài chính và thực hiện việc sang tên trên giấy chứng nhận. Điển hình như với việc mua căn hộ dự án hay đất nền. Việc ban đầu là đặt chỗ, ký thỏa thuận đặt cọc và đặt cọc. Trong đó thỏa thuận cọc là thỏa thuận dân sự, có thể viết giấy tay nhưng đó là cơ sở để quyết định việc mua bán, nên nhiều khi bên nào biết luật chơi (song hành với việc nắm tài chính) sẽ kiểm soát được.
Thương thảo hợp đồng, giá cả, chi phí và thanh toán
Nhà đầu tư trước khi đặt bút ký hợp đồng cần biết hợp đồng mua bán thực chất là hợp đồng dân sự song phương, các bên đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Người mua có có quyền được đàm phán thay đổi hợp đồng cho phù hợp với yêu cầu của mình. Nếu không thể thêm bớt điều khoản chính, thì cũng có điều khoản bổ sung. Vì vậy, khi giao dịch bên mua nếu thẩm định chưa kỹ thì có thể yêu cầu đưa cam kết vào bản hợp đồng.
Sau khi thương thảo xong hợp đồng, các bên thỏa thuận chi tiết về giá cả, thuế, chi phí và thanh toán. Giá và thanh toán phải càng chi tiết càng tốt. Một số chi phí các bên thường hay bỏ qua như phí môi giới, phí luật sư, phí phạt trễ hạn do lỗi bên kia, thời gian thanh toán theo tiến độ cần phải đưa vào điều khoản rõ ràng. Sự rõ ràng được thể hiện trong hợp đồng (có thể là hợp đồng đặt cọc) ngay từ đầu sẽ hạn chế xung đột về sau.
Sử dụng tốt các đòn bẩy tài chính
Am hiểu về tài chính hoặc có mối quan hệ tốt với ngân hàng cho phép bên mua có thêm sự lựa chọn trong việc cân đối tài chính. Với nhà đầu tư, khi chủ động nắm thông tin và biến động thị trường có thể tận dụng chính sách ưu đãi lãi suất, từ đó quản lý dòng tiền tốt hơn. Với việc mua nhà hình thành trong tương lai, tận dụng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng liên kết với chủ đầu tư giúp nhà đầu tư cá nhân chia nhỏ dòng tiền và kéo dài thời gian thanh toán từ khoản vay lớn thành những khoản trả góp định kỳ. Khi đó, người ta có thể giảm thiểu rủi ro thanh toán xuống mức thấp nhất khi có đủ thời gian để sắp xếp tài chính.
>>Xem thêm: 3 kinh nghiệm đầu tư căn hộ – Nhà đầu tư buộc phải biết!
Phúc Hưng Group